Wednesday, March 15, 2017

CAO NIÊN GỐC VIỆT NĂM CHÂU

1.Cụ già 70 tuổi gốc Việt chạy marathon ở 7 lục địa trong 7 ngày

Zing- Mỗi ngày bà Chau Smith thức dậy và chạy 42 km, sau đó lên máy bay để đến địa điểm tiếp theo lặp lại "quy trình".
                   
     Bà Chau Smith 70 tuổi, sinh ra tại Việt Nam. Ảnh: NBC News.

Từ ngày 25 đến 31/1, bà Chau Smith đã lần lượt hoàn thành quãng đường marathon ở Perth (Australia), Singapore, Cairo (Ai Cập), Amsterdam (Hà Lan), New York (Mỹ), Punta Arenas (Chile) và đảo Vua George thuộc châu Nam Cực.
"Tôi đã tập luyện thực sự cho hành trình này trong suốt 8 tháng", bà nói. "4 tháng cuối cùng, tôi thực sự chạy những quãng đường rất rất dài. Mỗi tuần tôi chạy từ 25 đến 210 km".
Theo CNN, bà Chau Smith năm nay 70 tuổi, sinh ra ở Việt Nam. Bà đến Mỹ năm 1972 và hiện kinh doanh một tiệm giặt khô ở Independence, bang Missouri.
"Cả đời tôi... tôi luôn làm những chuyện điên khùng. Hồi còn nhỏ ở Việt Nam, tôi là một đứa trẻ cứng đầu. Gia đình chẳng bao giờ biết tôi định làm gì. Tôi luôn cho họ thấy tôi có thể làm được những chuyện mà bọn con trai làm", bà Chau kể với CNN. 



Thử thách marathon mà bà tham gia có tên gọi "Triple 7 Quest" (tạm dịch: cuộc chinh phục 3 số 7). Người tham gia chạy 7 quãng đường marathon (42 km) lần lượt trong 7 ngày tại 7 lục địa trên thế giới (Nam Mỹ và Bắc Mỹ tính riêng).
Bà Chau tham gia thử thách, do hãng lữ hành Marathon Adventures tổ chức, cùng 9 người khác. Quãng đường "khó nhằn" nhất là ở Cairo khi bà chỉ có vài phút để thay đồ chạy sau khi đến nơi vì máy bay bị trễ chuyến.
"Chúng tôi có 10 phút để lên phòng thay đồ, không được mở vali", bà Chau nói. "Chìa khóa phòng tôi bị hỏng. Tôi loay hoay mất 10 phút mà không vào được phòng. Tôi bật khóc".

Hành trình thử thách marathon trên 7 lục địa của bà Chau Smith. Đồ họa: Triple 7 Quest/Facebook.
Hầu hết người tham gia đặt ra một mức thời gian cố định để hoàn thành cuộc đua, nhằm bắt kịp chuyến bay đến địa điểm tiếp theo. Bà Chau đã ấn định rằng bà sẽ dành 7 tiếng để hoàn thành đường chạy tại Cairo, nhưng vì chuyến bay trễ, người tổ chức yêu cầu nhóm phải hoàn thành trong 6 tiếng.
Bà Chau đã lo lắng về việc hoàn thành đúng hạn, vì vậy, người tổ chức gợi ý bà chỉ chạy nửa đường. Cuối cùng, bà hoàn thành toàn bộ đường chạy chỉ trong 5 giờ 51 phút.
"Từ đó, họ không bao giờ gợi ý tôi chỉ chạy nửa đường nữa", bà nói.
Bà Chau không nói cho nhiều người biết về việc bà tham gia thử thách "3 số 7", nhưng đây không phải lần đầu tiên bà thực hiện các hoạt động thể lực cường độ cao. Một năm trước, bà tham gia một cuộc chạy marathon ở Tanzania, rồi đi bộ ở Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất châu Phi, vào ngày hôm sau.
"Cuộc sống của tôi nhiều áp lực. Mỗi ngày tôi làm việc 10 tiếng nhưng tôi luôn cảm thấy tốt", bà nói. "Việc tôi nghĩ thế nào sau mỗi lần chạy là điều quan trọng. Chạy khiến bạn cảm thấy tốt. Tôi không thể diễn tả điều đó bằng lời".

2.Lên chùa làm thuc cu người

Những Phật tử tuổi xế bóng ở tỉnh lỵ Sa Đéc của miền Tây Nam Bộ, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tự nguyện đến chùa Hưng Trung, với công việc sơ chế thuốc nam.
Ông Bảy, một người dân cố cựu nói rằng người sáng lập ra những phòng chẩn trị nam y hảo thí là Đức Tông sư Minh Trí:
“Hồi này đó…, hồi đó có ông thầy thuốc, ông cùng đệ tử về đây đâu có cái chùa gì đâu. Mua cái nhà, nhà mới giở cất đây đó. Mua cái nhà cổ vậy đó dìa rồi ổng sửa thành cái chùa, để hốt thuốc Nam… Ra đời có cái di tích mà mình nhớ hổng được, nhưng mà năm nay chửa tới một trăm năm, cũng cở 80, 90 năm.
Đức tôn sư này ổng ở Rạch Giông, ổng có vợ, có con. Nhưng cái lúc thời gian ngài đi tu, đi bán khoai lang này kia, xuống tới Cà Mau, Bạc Liêu đó, ngài mới tập người ta niệm Phật, hốt thuốc Nam. Rồi bắt đầu từ ở dưới ổng quy y”.
Ông Phạm Văn Thương, tiếp lời:
“Hàng ngày lợi tới đây rồi làm như tất cả các cô bác, anh em tới đây. Giờ mình hổng có gì, giờ mình lớn tuổi rồi, mình hổng có làm được gì cho ai nỗi hết trơn, giờ mình kiếm công đức vậy thôi chớ… thì mình ráng mình làm để mà có phước đức về sau thôi”.
Với phương châm hành đạo là Phước Huệ song tu. Hệ phái Tịnh độ đã xây dựng nhiều phòng thuốc nam để chữa bệnh miễn phí giúp cho người nghèo. Nguồn dược liệu trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân được cung cấp từ nhiều nhà hảo tâm bên ngoài chùa. Dược thảo mộc mạc đa sắc, tỏa mùi thơm thiên nhiên dìu dịu. Kho thuốc treo bảng nội dung đề cao kho tàng di sản y dược học dân tộc, trên đó dán nhãn tên từng vị thuốc.
Ông Bảy kể rất nhiều người đến đây hốt thuốc:
“Ở đâu người ta cũng lợi, nếu cần thì người lợi đông, có thể đông lắm… Bị lúc đó thì chỉ có ở đây thôi, chứ các chỗ chửa có thuốc Nam. Đây ra đời trước. Ai muốn hốt thì hốt, nhưng nghỉ ngày Chủ nhật. Chủ nhật nghỉ. Còn châm cứu ngày rằm nghỉ, hổng chăm. Làm buổi sáng, hết buổi sáng thôi, buổi chiều nghỉ. Buổi chiều để vô thuốc đồ, vô hộp, để y sĩ làm”.
Ông Phạm Văn Thương kể rằng nguồn dược liệu toàn được bá tánh phụng cúng:
“Có chỗ người ta trồng cả công đất, người ta lợi người ta cho mình đó. Cho chùa này, chùa kia vậy đó. Tiếp tục cho hết, rồi đợt khác người ta có, người ta cho mình nữa. Trên An Giang xuống cũng cho nữa. Này kia vậy đó, người ta biết mình xài thuốc, mấy người có tâm thiện đó, người ta trồng thuốc người ta cho, với có người, người ta đi kiếm, người ta cho nữa. Thành ra mới có nguồn thuốc xài, chứ ở đây đâu có trồng. Đất ruộng, đất chợ đâu có trồng được”.

Những Phật tử làm công quả nơi đây nói rằng ông bà ta ngày xưa chỉ dùng toàn thuốc nam mà sống khỏe mạnh, sinh con đàn cháu đống. Tâm thành dược linh. Người bệnh có tấm lòng thành tin tưởng thuốc nam thì hết bệnh. Thuốc chùa gửi gắm tình thương của cư sĩ lương y, cư sĩ trợ y, cư sĩ dược tá và những Phật tử công quả. Nam y hảo thí của chùa Hưng Trung trị bệnh cho người nghèo thể hiện y đức cao cả. Nơi đây còn kế thừa phát huy di sản y học cổ truyền để không bị mai một./.